Các nhà máy đóng tàu sẽ trông đợi gì từ công nghệ máy bay không người lái?

Công nghệ máy bay không người lái (Drone hay UAV) có thể trở thành hoạt động chủ đạo của một công ty đóng tàu tại Nhật Bản. Công ty này hiện đang khai thác các ứng dụng thương mại của công nghệ này để triển khai vào cơ sở sản xuất của mình.

 

Tập đoàn Tsuneishi Holdings đang phân tích các tiềm năng khi sử dụng máy bay không người lái ở cơ sở đóng tàu Hiroshima của mình với mục đích làm tăng thêm sự an toàn và nâng cao hiệu quả làm việc hàng ngày. Các máy bay không người lái có trọng lượng khoảng 3 kg (6,6 pounds) có khả năng chụp ảnh chất lượng cao, quay video và truyền tải dữ liệu tới bộ phận xử lý thông tin. Từ đó, Tsuneishi hy vọng họ sẽ sử dụng thông tin thu thập được để giám sát quá trình hoạt động của nhà máy, kiểm tra và xử lý các tình huống không mong muốn từ xa.

 

Ngày hôm qua, đại diện của doanh nghiệp này khẳng định trong một bài phát biểu của mình: "Chúng tôi đặt rất nhiều hy vọng rằng công nghệ mới nhất này sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả làm việc tại các nhà máy và các cơ sở kinh doanh của mình đồng thời cho phép chúng tôi có thể thu thập thông tin rủi ro một cách nhanh chóng nhất".

 

Quá trình thử nghiệm tại toàn bộ khu vực nhà máy Tsuneishi đã diễn ra trong vòng bốn ngày, kể từ ngày 18 - 21 tháng 5. Đặc biệt UAV này sẽ giúp nhà máy kiểm tra và kiểm soát những tình huống mà có thể gây nguy hiểm cho người lao động. Ví dụ như: việc kiểm tra các thiết bị lắp đặt trên mái nhà hoặc trên những vị trí cao như ở cần cẩu hay các khu vực nguy hiểm khác. Ngoài ra, các UAV còn sử dụng để giám sát tiến độ làm việc tại nhà máy, quá trình xây dựng hay lắp ráp các tổng đoạn.

 

Gần đây xu hướng ngày càng nhiều các công ty của Nhật Bản đang thử nghiệm công nghệ  UAV vào các hoạt động thương mại.

 

Theo tin tức trên tờ Business Insider, trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép của các UAV trong lĩnh vực thương mại và dân sự ở Mỹ đạt 19% cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực quân sự là 5%. Rất nhiều các trang báo công nghệ cũng dự đoán: trong tương lai Mỹ sẽ dần nới lỏng lệnh cấm sử dụng máy bay không người lái vào thương mại do đó các UAV sẽ được ứng phổ biến rộng rãi vào năm 2017.

 

Rất nhiều các doanh nghiệp mong muốn sử dụng các máy bay không người lái này nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các thiết bị này có thể truy cập một cách an toàn ở những nơi cao hoặc điều khiển từ xa mà không cần sử dụng tới người lao động. Trong khi đó bình thường người lao động sẽ phải sử dụng các phương tiện thủ công như: thang, giàn giáo hay những thiết bị nguy hiểm khác để tiếp cận với các khu vực này, như vậy họ sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro.

 

Ngoài ra, thiết bị này giúp chúng ta thu thập dữ liệu được nhanh chóng bởi có hàng ngàn góc quay được sử. Với những UAV ra đời sau này, hình ảnh và video sẽ ngày càng trở nên sắc nét. Điều này cho phép chúng ta có thể giảm hoặc không cần sử dụng nhân công để làm những công việc này.

 

Trong tương lai gần nhu cầu về lao động chân tay sẽ giảm và thay vào đó là nguồn cung về những lao động có tay nghề cao để sử dụng trong việc phân tích giữ liệu sẽ tăng lên – đây là khẳng định của những công ty sản xuất UAV. Như vậy, các thiết bị này không giúp thay thế nhân công hoàn toàn mà chỉ thay đổi nhiệm vụ, công việc của họ đồng thời tăng thêm việc làm ở khâu phân tích dữ liệu cuối.

 

Bên cạnh mảng đóng tàu Tập đoàn Tsuneishi Holdings còn hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và dịch vụ. Nếu áp dụng thành công ứng dụng này, công ty sẽ xem xét để triển khai UAV vào các mảng kinh doanh khác của mình.

 

Nguồn: http://maritime-executive.com